Lịch sử hình thành Aikido.

Từ cuối chiến tranh,và nhất là trong các thập niên vừa qua, môn võ thuật Aikido của Nhật Bản đã được rất nhiều người biết đến không chỉ ở quốc gia mặt trời mọc, nơi xuất phát môn võ này mà còn ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Aikido không chỉ là tổng hợp các kỹ thuật của luyên tập võ thuật mà còn chứa đựng một hệ thống triết học, lý luận hoàn chỉnh về võ đạo, tình yêu thương con người.

Ban đầu, võ thuật chỉ là một hệ thống các kỹ thuật chiến đấu tay không và sử dụng binh khí (gậy, kiếm, đao, thương…) bao gồm các phương pháp tự vệ và tấn công đơn giản. Tuy nhiên, khi võ thuật chịu ảnh hưởng của quan điểm Phật giáo thì võ thuật được thay đổi từ sự tập hợp kỹ thuật đơn thuần sang “đạo” triết lý. Khuôn khổ võ thuật phát triển cho đến khi vượt khỏi mục tiêu đơn giản là tiêu diệt kẻ thù chuyển thành việc bao gồm nhiều yếu tố liên quan đến sinh hoạt thường nhật. Nói cách khác, võ thuật thay đổi từ cách giết người sang cách sống. Nhất là sau khi đẳng cấp samurai không còn nữa, võ “thuật” trở thành võ “đạo”, người ta xem võ đạo là phương tiện để tạo ra sức mạnh tinh thần cần thiết để xây dựng một xã hội vững chắc.

Shinra Saburo Yoshimitsu

     Aikido ngày nay có nguồn gốc từ daito aikijutsu, người ta cho rằng do hoàng tử Teijun, con trai thứ 6 của Hoàng đế Seiwa (850-880 sau Công Nguyên) sáng lập. Thông qua người con trai của hoàng tử tên  Tsunemoto, môn võ được lưu truyền cho các thế hệ kế tiếp trong dòng họ Minamoto. Vào lúc môn võ đến với Shima Saburo Yoshimitsu, em trai của Yoshiie Minamoto là người có năng khiếu đặc biệt, người ta bảo rằng ông nghĩ ra nhiều thế võ sau khi quan sát nhện giăng tơ bắt côn trùng to, ông cũng là người có khả năng về giải phẫu học. Có vẻ như nền tảng của môn võ aikido ngày nay đã được thiết lập, ngôi nhà ông ở “Daito Mansion” dùng để đặt tên cho hệ thống aikijutsu của mình.

Con trai thứ 2 của Yoshimitsu tên Yoshikiyo, sống ở Takeda, thuộc tỉnh Kai, sau cùng mọi người đều biết tiếng. Sau đó, kỹ thuật được lưu truyền cho nhiều thế hệ kế tiếp, được xem là môn võ bí truyền của dòng họ Takeda, chỉ có thành viên và quản gia trong dòng họ mới học được. Năm 1574, Takeda Kunitsugu dọn về Aizu, kỹ thuật truyền lại cho con cháu của ông với tên gọi kỹ thuật Aizu-todome.
Sau này, chỉ có đẳng cấp samurai mới được học môn võ này, chỉ dạy trong dòng họ cho đến khi Nhật Bản thoát khỏi sự cô lập, và phát triển trong thời kỳ Minh Trị (Meiji) năm 1868. Vào lúc này, Sokaku Takeda Sensei, lúc đó là gia trưởng, bắt đầu phổ biến môn võ cho người ngoài dòng họ Takeda, ông đi khắp Nhật Bản và sau cùng ở lại Hokkaido, và tiếp tục phát triển môn võ trong vai trò chưởng môn môn phái Daito.

Sokaku Takeda

     Năm 1910, Ueshiba Morihei du hành đến đảo Hokkaido khai hoang và hạnh ngộ với võ sư Takeda Sokaku chấp chưởng môn Daito-ryu tại lữ quán Hisada. Sau khi hội kiến, vị võ sư 60 tuổi này đã nhận lời truyền dạy Ueshiba Morihei những kỹ pháp Aiki Jujitsu (Hiệp khí Nhu thuật) mà Takeda Sokaku gọi là Aikibudo (Hiệp khí võ đạo) ngay tại nhà. Tháng 3 năm 1915 Ueshiba Morihei được thầy ban cho đẳng cấp Menkyo Kaiden, có quyền quyết định tất cả tương lai cho môn phái một khi Takeda qua đời. Như vậy, Takeda Sokaku đã trở thành người đầu tiên của tộc Takeda dạy môn võ của tộc mình cho người ngoại tộc và Morihei Ueshiba người ngoại tộc đầu tiên được học Aikibudo, đồng thời là người được Takeda Sokaku tin tưởng cho phép dạy Aikibudo trước khi Morihei Ueshiba sáng lập môn Aikido.

     

Morihei Ueshiba

Ueshiba Sensei, một người có khả năng hiếm có, trước khi gặp danh sư Takeda Sokaku ông đã tinh thông các môn võ thuật Aioi-ryu (môn võ được truyền từ cha của ông), sumo, jukenjitsu (kỹ thuật đánh lưỡi lê trong quân đội), jujitsu (nhu thuật), kenjitsu (kiếm thuật), thương thuật (Sojutsu)… Ông mang đến môn phái Daito những điều tinh tuý trong các môn phái võ thuật cổ xưa khác và thêm vào nhiều kỹ thuật do chính ông nghĩ ra để sáng lập ra môn võ aikido hiện đại. Cũng trong những năm miệt mài luyện tập ông nghiên cứu các triết lý tôn giáo, đặc biệt là thiền tông dưới sự chỉ dạy của thiền sư Shinton tại Jizo. Ông thực hành một lối sống khổ hạnh để tịnh tâm và được giác ngộ. Cuối cùng, Ueshiba Morihei đã mặc khải được võ thuật là tình yêu của trời đất, vũ trụ. Ueshiba Morihei từng nói rằng, tập luyện võ nghệ với mục đích tiền khởi không phải để đánh bại kẻ khác mà ở chỗ thực hành lòng yêu mến trời đất trong chính bản thân mình. Từ đây Ueshiba Morihei toàn tâm, toàn ý truyền bá tư tưởng đó đến các môn đồ của mình thông qua phái võ thuật mà ông sáng lập mang tên Aikido vào năm 1942. Những kỹ thuật của Aikido không chú trọng vào đánh bại kẻ khác mà mục đích là cải sửa chính tâm hồn bạn và hòa hợp với vũ trụ. Môn võ Aikido được cả thế giới ca tụng là môn võ của tình yêu thương, môn võ vì hòa bình.

Nguồn: Sách về Aikido và các nguồn khác.

#Ak

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *